Mai Như
Mai Như

Tục xăm mình và săn đầu người của bộ tộc Ấn Độ dần bị mai một

Hình xăm mặt là đặc quyền của những chiến binh Konyak chiến thắng trở về với đầu của kẻ thù. Đối với nhiều người, họ man rợ, nhưng đối với họ, đó chỉ là một phong tục truyền thống.

Chân dung những người cao tuổi với những hình xăm trên mặt qua ống kính của nhiếp ảnh gia Peter Bos được thể hiện một cách nhẹ nhàng và tình tế, miêu tả nét hóm hỉnh xen lẫn niềm tự hào trên những khuông mặt đầy nếp nhăn ấy. Thế nhưng đằng sau những hình xăm trên khuôn mặt ấy ẩn chưa một sự thật đen tối: Những nhân vật này từng là chiến binh săn đầu người đáng sợ, chuyên chặt đầu kẻ thù làm kỷ niệm. Họ là một trong số 230.000 thành viên của bộ tộc Konyak ở bang Nagaland, Ấn Độ. Cộng đồng này sinh sống bằng nghề nông tại những ngôi làng trên đỉnh đồi gần biên giới Myanmar. Họ có tục xăm mình để kỷ niệm những sự kiện quan trọng trong đời. Hình xăm mặt là đặc quyền của các chiến binh, người trở về từ những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ hoặc quyền lực. "Tôi không cảm thấy sợ hoặc bị đe dọa, họ là những người rất ấm áp. Chúng ta thường nghĩ tục săn đầu người là man rợ và tàn nhẫn, nhưng đối với họ đây chỉ là một phong tục", nhiếp ảnh gia Bos trả lời CNN. "Chúng tôi đến nhà họ, dành thời gian để nghe kể về những câu chuyện trong quá khứ, về những bài thơ, bản nhạc của một thời oanh liệt. Chúng tôi làm vậy để giúp họ tự nhiên trước ống kính", ông Bos nói. "Nhưng những người chiến binh cao tuổi lại có vẻ yếu đuối, đôi mắt họ ẩn chứa nỗi buồn".

Nửa cuối thể kỷ 19, tục săn đầu người và nghệ thuật xăm mặt dần biến mất và bị xoá bỏ hoàn toàn vào những năm 1970, khi đạo Cơ đốc lan truyền đến khu vực. Khi những thế hệ chiến binh cuối cùng của bộ tộc Konyak qua đời, phong tục này sẽ trở thành huyền thoại chỉ còn tồn tại trong sử sách. "Mỗi hình xăm đều tượng trưng cho địa vị hoặc cuộc đời của các chiến binh, không có họa tiết nào là hoàn toàn giống nhau", cô Phejin Konyak, chắt của một chiến binh săn đầu người, cho biết.

Cô Konyak đã dành nhiều năm thu thập toàn bộ họa tiết hình xăm, lời thơ và bài hát của bộ tộc Konyak nhằm lưu giữ một phong tục đang dần mai một. Rời bỏ bộ tộc từ năm lên 4, cô cùng gia đình đến thành phố Dimapur, cách quê hương 300 km. Cô chia sẻ: "Đương nhiên là sự du nhập của đạo Cơ đốc giúp chúng tôi có điều kiện học hành. Nhưng ở Nagaland, sự chuyển đổi từ phong tục truyền thống sang hiện đại diễn ra quá nhanh. Chúng tôi đi từ tục săn đầu người đến việc sử dụng iPad chỉ diễn ra trong vài thập kỷ".

Sự biến mất của hình xăm truyền thống, vốn được thực hiện bằng kỹ thuật dùng gỗ mây nhọn bơm mực làm từ nhựa cây vào da, là biểu hiện của một sự xói mòn văn hóa ở mức độ rộng hơn. Konyak thể hiện sự nuối tiếc: "Phải chi chúng ta có thể dung hòa giữa những giá trị tốt đẹp của truyền thống và hiện đại. Chúng ta không thể sống tách biệt với thế giới, nhưng nếu chúng ta đánh mất bản sắc của dân tộc thì mục đích của việc tồn tại có còn ý nghĩa?"

Theo Konyak, người dân bộ tộc phải tiên phong trong việc bảo tồn nền văn hóa truyền thống, không thể trông chờ vào các chuyên gia ngoại quốc. Cô đang tiến hành dịch những cuốn sách về bảo tồn của mình sang tiếng địa phương, dù dân tộc Konyak không có chữ viết riêng. "Trừ khi có một sự thay đổi trong chính những ngôi làng ở vùng đồi Nagaland, tôi cho rằng phong tục truyền thống của chúng tôi khó có thể tồn tại", cô nói. 

Trong khi một số chiến binh cao tuổi mặc trang phục truyền thống thì vài nhân vật trong những bức ảnh của Bos trông có vẻ hiện đại với áo thun thể thao, áo cài khuy dài tay và đồng hồ. Phần lớn chân dung được chụp ở những ngôi nhà dài truyền thống làm bằng thân tre hoặc gỗ dừa. "Bên trong những ngôi nhà này khá tăm tối với các bức tường treo đầy chiến lợi phẩm đầu thú", Bos nói. 

Đối với Bos, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong những ngôi làng của bộ tộc Konyak là nguồn cảm hứng dồi dào. "Họ còn sống, nhưng thời gian của họ dường như sắp cạn kiệt", Bos nói về thế hệ những chiến binh săn đầu người cuối cùng. "Họ không còn thuộc về cuộc sống hiện đại này nữa". 

theo Zing.new.vn

Ảnh: Peter Bos

 


Xem thêm Văn Hóa Lịch sử

Ero Guro - Văn hoá xăm mình: Tình người duyên ma

Ero guro nansensu, một thuật ngữ wasei-eigo, là một phong trào văn hóa, nghệ thuật và lịch sử là sự pha trộn của các triết lý chính trị đã biến thành thẩm mỹ. Các nghệ sĩ, nhà thơ, nhà làm phim, nhạc sĩ, và tất nhiên, thợ xăm, đã pha trộn khái niệm này với công việc của họ tạo ra một trong những phong trào nghệ thuật đầu tiên kéo dài hàng thế kỷ.

Đọc thêm

Quả cầu vàng 2019: Lịch sử Hollywood và văn hóa xăm mình

Đêm qua Quả cầu vàng 2019 đã khởi động và toàn bộ Hollywood đã ăn mừng những quả bom tấn thành công trong năm qua. Đáng chú ý nhất trong các tác phẩm kinh điển lâu đời của Hollywood được biết đến với các khía cạnh về hình xăm là các bộ phim như 'Papillon', ‘The Illustrated Man’, ‘The Rose Tattoo’, và ‘The Night of the Hunter’.

Đọc thêm